Theo đánh giá của nhiều chủ phương tiện và kỹ sư ô tô, trong khoang lái của xe tô tô có nhiều vật liệu nhựa dễ bắt lửa và dễ cháy, đặc biệt là khi để dưới nắng nóng bị hầm nhiệt và các vật thể dễ bắt lửa trong khoang xe. Ngoài ra, nguyên nhân chập điện gây cháy cũng là một lý do chính.
Kỹ sư ô tô Nguyễn Ngọc Khánh, Quản lý một gara ô tô trên đường Hoàng Quốc Việt, chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy xe ô tô khi lưu thông, trong đó, chập điện là một trong các nguyên nhân cháy xe phổ biến thường gặp. Khi hệ thống điện trên xe ô tô bị chập sẽ phát ra tia lửa điện, tia lửa này có thể bắn vào những vật chất dễ cháy xung quanh khiến đám cháy nhanh chóng bùng lên và lan rộng.
Ngoài ra, vào mùa nắng nóng, nhiệt độ bên ngoài cũng là tác nhân gây cháy xe. Cụ thể, quá trình di chuyển, một số vật dụng dễ cháy như rơm rạ, giấy hoặc túi ni lông chạm vào gầm xe, lúc này khí xả thải ra từ động cơ ô tô vô tình tiếp xúc với các vật dụng dễ cháy sản sinh ra nhiệt lớn dẫn đến cháy xe.
Một xe ô tô bốc cháy tại nút giao đường Láng-Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) trong ngày 13-6. |
Bên cạnh đó, chuyên gia ô tô cũng lưu ý, việc các chủ xe thường hay độ chế hoặc lắp thêm các thiết bị điện trong xe ô tô cũng tiềm ẩn các nguy cơ dẫn đến cháy xe.
“Khi tự ý độ, chế, lắp thêm các thiết bị điện đồng nghĩa với việc đã can thiệp thay đổi hệ thống điện nguyên bản trên xe. Điều này rất nguy hiểm bởi có thể gây chập cháy nếu hệ thống bị quá tải, đấu nối sai cách hay sử dụng thiết bị điện kém chất lượng, trong quá trình di chuyển sẽ dẫn đến hiện tượng chập điện và gây ra cháy xe", kỹ sư Nguyễn Ngọc Khánh cảnh báo.
Để hạn chế nguy cơ đối với xe ô tô trong điều kiện nắng nóng hiện tại, các chủ phương tiện cần chú ý khi để các đồ vật tiềm ẩn nguy cơ như: Bật lửa, hóa chất, nước hoa, chai nước suối hay bình cứu hỏa mini trong xe, nhất là khi đậu xe dưới trời nắng nóng, nhiệt độ cabin ô tô khi kín có thể đạt 60-70 độ C. Nếu các vật này nằm ngay vị trí ánh nắng trực tiếp chiếu vào thì rất dễ bị bốc cháy, phát nổ.
Hiện tượng cháy ô tô, xe máy không chỉ xảy ra với các loại xe cũ, mà có thể cháy cả đối với các xe mới. Xe có thể bốc cháy khi vừa khởi động hoặc đang di chuyển trên đường, có xe bốc cháy khi vừa dừng lại hoặc để trong nhà, để ở nơi công cộng.
Một ô tô cũ bốc cháy khi đang đậu trên đường tại quận Hà Đông (Hà Nội). |
Để phòng tránh và hạn chế thấp nhất khả năng cháy xe ô tô ngoài ý muốn, anh Phạm Trung Hiếu, một thợ sửa xe ô tô lâu năm, khuyến cáo chủ phương tiện nên bảo dưỡng xe định kỳ, đặc biệt đối với phương tiện cũ cần ưu tiên kiểm tra hệ thống điện và hệ thống nhiên liệu. Trong trường hợp các dây điện bị chuột cắn, bị nứt hoặc xuống cấp cần thay thế kịp thời để đảm bảo giúp cho xe ô tô luôn vận hành ổn định và giảm thiểu được các rủi ro hư hỏng, cháy nổ.
Cùng với đó, các chủ xe không nên độ, chế các thiết bị, phụ tùng trong xe bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và độ an toàn của xe. Vào những ngày thời tiết nắng nóng cao điểm, các chủ xe cần hạn chế đỗ xe lâu ngoài khu vực thời tiết nắng nóng. Trong trường hợp bất khả kháng nên sử dụng tấm che nắng kính lái hay bạt phủ ô tô để giảm nhiệt cho xe và không di chuyển vào khu vực phơi rơm rạ, có vật liệu dễ cháy để tránh những sự cố không mong muốn.