Công ty cổ phần phát triển và thương mại Minh Dũng
Công ty cổ phần phát triển và thương mại Minh Dũng
Biện pháp thi công – hạng mục PCCC – Mẫu
2024-06-26 09:55:50

1. Biện pháp thi công – quy định chung về an toàn

<< Tải file mẫu thuyết minh biện pháp – hạng mục PCCC >>

  • Trước mỗi giai đoạn thi công, Nhà thầu sẽ trình thời gian và kế hoạch thi công chi tiết các hạng mục thi công. Đồng thời Nhà thầu sẽ tuân thủ nghiêm ngặt về việc kiểm soát an ninh trong quá trình thi công như thẻ ra vào các khu vực nhà ga, trang thiết bị thi công của cán bộ kỹ t huật và công nhân kỹ thuật của Nhà thầu.
  • Mỗi khu vực thi công, Nhà thầu sẽ có băng cảnh báo an toàn và biển báo. Ở các vị trí đào sâu, trên miệng hố có băng an toàn và có một cán bộ an toàn trực bên trên.
  • Trong quá trình thi công các hạng mục đường ống thép trong nhà ga (ống nước ĐHKK, ống cấp nước chữa cháy,…) và các hạng mục có liên quan đến công tác hàn trong phạm vi nhà ga,  Nhà thầu sẽ thực hiện nghiêm túc biện pháp đảm bảo an toàn cháy nổ cũng như xử lý các vấn đề khói bụi tránh để ảnh hưởng đến các khu vực khác trong nhà ga.
  • Khi hàn gió đá, các dây dẫn trước khi ra mỏ hàn đều phải có van chống cháy ngược. Đồng thời các bình gió đá phải có các kiểm định chất lượng để đảm bảo an toàn.
  • Đối với các khu vực phải hàn cắt trong nhà ga, Nhà thầu sẽ dùng bạt amiăng quây xung quanh khu vực hàn để tránh ánh hàn lan ra xung quanh làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
  • Vấn đề xử lý khói trong khi hàn, Nhà thầu sẽ dùng các phễu thu khói trên đó có gắn quạt hút được nối với ống mềm chống cháy đường kính từ 200mm đến 300mm dẫn ra ngoài khu vực an toàn được Chủ đầu tư cho phép tránh ảnh hưởng đến hệ thống báo khói của nhà ga hiện hữu.
  • Mỗi khu vực có công tác hàn cắt, Nhà thầu sẽ đặt 2 bình chữa cháy (một bình bọt và một bình khí) để chữa cháy kịp thời khi có sự cố xảy ra.
  • Khi thi công các khu vực tiếp giáp giữa giai đoạn thi công và giai đoạn đang hoạt động của nhà ga. Nhà thầu sẽ tuân thủ tuyệt đối về thời gian thi công, về biện pháp thi công cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn về cháy nổ, an toàn lao động theo như yêu cầu của Chủ đầu tư.
  • Khi thi công các hạng mục đào đắp trong khu vực nhà ga, Nhà thầu sẽ sử dụng các biện pháp đào bằng thủ công. Khi hoàn trả lại mặt bằng, Nhà thầu sẽ dùng các loại đầm cóc đầm đến khi đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo hồ sơ chất lượng đưa ra.
  • Khi thi công trên cao tất cả phải có dây đeo an toàn, các giàn giáo đều phải có bánh xe , khi sàn đã hoàn thiện thì phải được lót cao su. Với giàn giáo từ 2 tầng giáo trở lên phải có hành lang an toàn.
  • Các điểm kết nối chuyển giao giai đoạn của các đường ống, Nhà thầu sẽ dùng các mặt bích để kết nối giai đoạn sau với giai đoạn trước.
  • Các tủ điện thi công đều phải có ELCB, nguồn ra phải dùng dây điện hai lõi, có vỏ bọc và không được để trên sàn. Các ổ cắm phải dùng loại ổ cắm công nghiệp không thấm nước và phải là loại 3 chấu.
  • Ở mỗi khu vực thi công, Nhà thầu sẽ bố trí đầy đủ bình chữa cháy xách tay và các tiêu lệnh và nội quy PCCC.

phương tiện chữa cháy đảm bảo an toàn trong quá trình thi công

 

2. Biện pháp thi công hệ thống chữa cháy (Fire Protection):

2.1 Phần chuẩn bị chung

    • Bản vẽ thi công đã được duyệt.
    • Chuẩn bị các vật tư, thiết bị cần lắp đặt.
    • Nhân công và dụng cụ đồ nghề lắp đặt.
    • Trang thiết bị an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; an toàn cho các thiết bị áp lực (gió, đá…).

2.2 Trình tự thi công

  • Thi công phần ống chữa cháy ngầm:
    • Định vị tuyến ống ngầm theo như bản vẽ được duyệt.
    • Đánh dấu khu vực cần đào, làm rào bảo vệ, cắm biển báo.
    • Sử dụng máy múc tại những khu vực được phép hoặc sử dụng đào thủ công đào đến cao độ thiết kế.
    • Đầm đáy mương, xây gối đỡ ống và đặt ống.
    • Trước khi lấp đất phải tiến hành thử áp, áp lực thử phải bằng 1.5 lần áp lực thiết kế của hệ thống..
  • Thi công phần ống nổi:
    • Chuẩn bị ống, các vật tư phụ và phụ kiện đường ống và vận chuyển đến vị trí lắp đặt.
    • Kiểm tra vị trí và cao độ ống cần lắp đặt của bản vẽ đã duyệt và thực tế công trường.
    • Chuẩn bị giàn giáo (nếu lắp trên cao) cần phải neo giàn cẩn thận vào nơi cố định tránh sự xô ngã giàn (neo vào sàn, cột, đà…).
    • Tổ gia công cơ khí: Chịu trách nhiệm gia công chi tiết giá đỡ ống, sơn ống, ren ống…
    • Tổ định vị, lắp đặt đường ống cấp nước chữa cháy.
    • Đối với những ống cuối của đường ống cần có nút bịt đầu ống.
    • Đối với những ống nhánh có đường kính nhỏ hơn ½ ống chính có thể dùng gió đá khoét lỗ để hàn (nên khoét lỗ giá trên hoặc ngang thân ống, không nên khoét đáy ống) hoặc dùng khoan sắt để khoan. Không nên sử dụng kềm hàn điện để khoét lỗ. Sau khi khoét lỗ cần phải gọt và mài nhẵn phần lỗ trên thân ống cũng như bề mặt ống nhánh nối vào.
    • Chú ý:  Khi khoét lỗ ống chính thì lỗ được khoét phải bằng với ống nhánh, không nên khoét lớn hơn tránh trường hợp do bất cẩn để ống nhánh vào sâu trong ống chính làm cản trở dòng chảy.  Những nơi có ống nhánh và ống nhánh giao nhau nên để ống nhánh trên ống chính để tránh cặn rơi vào thiết bị và dễ xúc rửa.
  • Đối với những ống ở cuối đường nên dùng nắp bịt để bít đầu.
  • Chú ý:
    • Khi sử dụng gió đá để khoét lỗ cần phải để chai gió đá thẳng đứng hoặc phải có xe để gió đá như hình bên.
    • Nếu để gió đá ngoài trời cần phải có che chắn đầu chai, tránh nắng nóng trực tiếp dễ gây ra nổ.
    • Khi sử dụng gió đá cần phải có bình chữa cháy để bên cạnh.
  • Khi sử dụng máy cắt để cắt ống thì máy cắt cần phải đặt trên hộp được che chắn những mạt sắt do cắt ống văng ra và người thao tác cần phải có kiếng bảo hộ mắt, nón…
  • Các đường ống có đường kính lớn thi công trước, các đường ống có đường kính nhỏ thi công sau.
  • Các điều cần chú ý khi thi công kết nối ống bằng phương pháp ren:
    • Kiểm tra, làm vệ sinh phía trong của ống để không còn vật cản như đất, đá, sạn nằm trong đường ống.
    • Trước khi ren các đoạn ống phải đo đặc một cách chính xác, các đầu ren phải đúng cỡ, độ, cùng chủng loại, kích thước.
    • Khi nối các đầu ren phải tuân thủ đúng qui trình: Quấn sợi đay, quét sơn … không được để đất cát dính ở đầu ren.
    • Vặn chặt tay không để hở mối ren.
    • Khi các đầu ren đã được nối phải gim bắt cố định vào trần hoặc tường nhà tránh xê dịch nhiều, có thể dẫn đến gẫy đầu ren (nhất là các tuyến ống đứng).
  • Các điều cần chú ý khi thi công kết nối ống bằng phương pháp hàn:
    • Khi hàn phải vệ sinh tại các mối hàn sạch sẽ.
    • Mối hàn được yêu cầu hàn tại công trường từ ống có đường kính 65mm trở lên và vị trí chuyển đổi từ ống đường kính 65mm sang ống đường kính 50mm.
  • Lắp đặt valve trên mặt đất:
    • Chuẩn bị dàn giáo (nếu lắp trên cao), dây an toàn.
    • Chuẩn bị valve và vật tư phụ (gioăng cao su, băng keo lớn…).
  • Vệ sinh các mặt tiếp xúc với gioăng cao su và các đầu ren.
  • Tiến hành lắp valve,
  • Chú ý: Các valve lắp đặt trên tầng cần quay tay valve hướng lên hoặc nằm ngang (siết đối xứng từng cặp một).

2.3 Công tác lắp đặt máy bơm chữa cháy và các thiết bị điều khiển

Sau khi đã hoàn thành việc lắp đặt đường ống cấp nước chữa cháy, Nhà thầu sẽ tiến hành việc lắp đặt máy bơm chữa cháy bên cạnh trạm máy bơm nước chữa cháy hiện hành. Công việc này do các cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao thực hiện. Qui trình lắp đặt như sau:

  • Xác định vị trí đặt máy bơm chính và máy bơm dự phòng.
  • Chế tạo bệ quán tính, chọn lò xo giảm chấn (tính theo tải trọng bơm và bệ quán tính)
  • Đặt máy bơm (sử dụng cần trục bánh lốp) để đưa máy bơm vào vị trí trên bệ máy, yêu cầu máy bơm phải cân bằng, thẳng trục.
  • Lắp đặt ống hút, ống đẩy để kết nối máy bơm vào hệ thống.
  • Kéo dây, đấu nối điện cho máy bơm và các thiết bị điều khiển.
  • Chạy thử không tải, điều chỉnh trạng thái hoạt động của máy bơm.
  • Chạy thử có tải, đo kiểm tra áp lực, lưu lượng máy phù hợp với các thông số thiết kế.
biện pháp thi công lắp đặt máy bơm chữa cháy

biện pháp thi công lắp đặt máy bơm chữa cháy

Quá trình đặt máy bơm chữa cháy phải chú ý đến khả năng làm kín, chiều cao hút, vị trí đặt van xả khí, van xả áp lực …

  • Phương pháp nối ống với thiết bị:
    • Chuẩn bị dụng cụ thi công
    • Kiểm tra vị trí lắp đặt (bản vẽ thi công)
    • Kiểm tra giá đỡ thiết bị
    • Kiểm tra thiết bị – đặt thiết bị vào vị trí cần lắp
    • Cố định thiết bị và căn chỉnh thiết bị lên giá đỡ hoặc lên sàn, lên tường
    • Kiểm tra ống và vệ sinh ống
    • Tiến hành nối ống với thiết bị
    • Test áp lực theo yêu cầu kỹ thuật (mời tư vấn kiểm tra)
    • Dùng nylon che chắn bảo vệ thiết bị
    • Chuẩn bị hồ sơ testing (mời tư vấn kiểm tra)
    • Chuẩn bị hồ sơ nghiệm thu và bàn giao (mời tư vấn kiểm tra)
  • Nối ống với mặt bích, van, khớp nối mềm với y lọc, bơm, đồng hồ áp lực:
    • Kiểm tra thiết bị (mời tư vấn kiểm tra).
    • Vận chuyển thiết bị ra vị trí lắp đặt.
    • Kiểm tra vị trí lắp đặt (xem bản vẽ thi công)
    • Kiểm tra hồ sơ Test áp lực ống (có xác nhận của tư vấn )
    • Vệ sinh thiết bị
    • Vệ sinh ống
    • Chuẩn bị và kiểm tra giá đở thiết bị (xem bản vẽ chi tiết lắp đặt)
    • Đặt thiết bị vào vị trí cần lắp
    • Tiến hành kết nối ống với thiết bị (xem bản vẽ minh hoạ)
  • Kết nối ống với hệ thống chữa cháy vách tường hiện tại (fire hose reel):
    • Tập kết thiết bị đến vị trí lắp đặt.
    • Vệ sinh sạch sẽ thiết bị và vị trí lắp đặt.
    • Lấy dấu tâm của hộp họng vòi chữa cháy lên vị trí lắp đặt theo mức chuẩn của công trình bằng ống cân nước hoặc máy ngắm.
    • Từ tâm của hộp họng vòi (hose reel) lấy dấu để bắt tắc kê gắn đáy tủ vào bệ tủ họng vòi chữa cháy.
    • Dùng khoan bê tông khoan lỗ bệ tủ để đóng tắc kê vào.
    • Đấu nối van góc với hệ thống đường ống vách tường.
    • Sau khi kết nối các tủ vách tường vào hệ thống, Nhà thầu tiến hành thử áp lực đường ống và làm biên bản nghiệm thu lắp đặt với TVGS và Chủ đầu tư.
  • Kết nối ống với công tắc dòng chảy (flow switch):
    • Chuẩn bị vật tư và dụng cụ đồ nghề cần thiết (gió đá,dây mỏ hàn, máy mài…)
    • Trang thiết bị phòng cháy chữa cháy.
    • Định vị trí cần gắn công tắc dòng chảy (flow switch).
    • Dùng gió đá hoặc khoan sắt để tạo lỗ lắp lá valve (không nên dùng máy hàn điện để khoét lỗ).
    • Lỗ được khoét rộng hơn lá valve vừa phải không nên khoét quá lớn dễ bị rò rỉ nước (do khó làm kín).
    • Phải gọt bằng bên trong lỗ.
    • Dùng máy mài, mài nhẵn phần thân ống để tiếp xúc tốt hơn.
    • Gắn công tắc (Flow Switch) như hình vẽ.
    • Chú ý:
      • Không được khoét lỗ trên thân của fitting.
      • Valve không được chạm vào thành ống.
    • Kết nối ống với bơm (pump):
      • Kiểm tra bản vẽ, kích thước bơm để làm bệ móng cho bơm.
      • Kiểm tra trọng lượng bơm để chế tạo đế quán tính (đế quán tính của bơm thông thường 1,2~1,5 trọng lượng bơm) (như hình)
      • Tiến hành đổ bê tông bệ máy cho bơm.
      • Dùng sắt U hoặc thép tấm chế tạo đế quán tính theo kích thước đã được tính.
      • Gia cường thêm sắt tròn hoặc thép góc để sau khi đổ bê tông đế quán tính không bị nứt.
      • Dùng boulon để định vị các lỗ đế bơm.
      • Hàn các giá để bắt lò xo chống rung vào đế quán tính.
  • Vệ sinh bệ móng của bơm và dùng nylon lót để đặt khung của bệ quán tính lên bệ móng.
  • Tiến hành đổ đế quán tính.:
  • Dùng nâng tay hoặc balance để đưa bơm lên đế quán tính và định vị bởi các con boulon đã được đặt sẵn trong đế quán tính.
  • Dùng con đội (kích) để kích bộ quán tính lên để lấy tấm nylon ra và vệ sinh sạch bệ móng bơm và tiến hành lắp lò xo chống rung.
  • Hạ đế quán tính xuống cho đúng với khoảng cách giữa đế quán tính và móng bơm như tính toán (khoảng 20÷30mm).
  • Dùng đai ốc khoá chặt lại.
  • Tiến hành lắp đặt ống. Do đường ống hút của bơm lớn hơn đầu mặt bích chờ của bơm do đó cần phải có giảm cấp:
    • Dùng giảm cấp lệch tâm để tránh sự tạo bọt khí trong đường ống.
    • Không dùng giảm cấp đồng tâm ở đường hút của bơm (đối với đường hút nằm ngang).
    • Nên dùng những co có bán kính lớn để tạo hướng dòng chảy tốt hơn cho đường hút của bơm.
biện pháp thi công lắp đặt thiết bị báo cháy

biện pháp thi công lắp đặt thiết bị báo cháy

3. Biện pháp thi công hệ thống báo cháy (Fire alarm):

  • Công tác lắp đặt dây tín hiệu, cáp tín hiệu.
  • Toàn bộ công tác đi dây dẫn tín hiệu báo cháy trong công trình phải thực hiện theo quy định của các tiêu chuẩn quy phạm.
    • Xác định vị trí lắp đặt dây dẫn tín hiệu, cáp tín hiệu :
      • Dây dẫn tín hiệu báo cháy chủ yếu luồn trong ống PVC bảo vệ dây chuyên dụng D25 đi trên trần ra hộp kỹ thuật. Vì vậy, cần xác định rõ các vị trí dây dẫn phải đi qua; các đầu báo cháy được mắc nối tiếp với nhau, do đó việc xác định vị trí dây dẫn phải đảm bảo các nguyên tắc tiết kiệm dây, không ảnh hưởng đến các thiết bị lân cận khác đồng thời phải phù hợp với các quy định hiện hành.
      • Việc xác định vị trí đặt dây dẫn tín hiệu, cáp tín hiệu phụ thuộc rất nhiều vào vị trí đặt các thiết bị (đầu báo cháy, chuông báo cháy, hộp nút ấn báo cháy khẩn cấp). Vì vậy, khi tiến hành xác định vị trí đặt dây cần xác định vị trí đặt các thiết bị nói trên. Tuy nhiên, khi xác định vị trí đặt các thiết bị này cần tính đến những sai số do những phát sinh trong quá trình hoàn thiện có thể xảy ra.
    • Đặt dây dẫn tín hiệu :
      • Dây dẫn tín hiệu được luồn trước trong ống bảo vệ PVC chuyên dụng D25, sau đó mới được ghim bằng các đai giữ ống trên mặt trần . Đầu dây ở vị trí lắp đầu báo cháy để dự phòng theo khoảng cách từ hộp nối trung gian đến đầu báo.
      • Trường hợp dây tín hiệu phải qua dầm, tường, sàn bê tông khi thi công phải đục sao cho khi đặt ống nhựa đúng kỹ thuật, mỹ thuật. Sau khi gim ống bằng đai giữ ống vào vị trí rãnh đục song phải trát hoàn thiện lại.
      • Ở những vị trí có tường và dầm phải dùng khoan điện để khoan xuyên và đục lỗ sao cho kích thước lỗ khoan, đục lớn hơn kích thước ống nhựa cần chui qua. Sau khi lắp đặt song phải hoàn thiện lại lỗ đục.
      • Dây dẫn tín hiệu của mỗi nhánh khi lắp đặt xong đều phải đo kiểm tra và ghi chép cụ thể các thông số về độ thông mạch của chúng trước khi đấu nối vào tủ trung tâm.
    • Công tác lắp đặt hộp kỹ thuật :
      • Xác định vị trí hộp kỹ thuật :

Đây là nơi tập trung toàn bộ đầu dây dẫn tín hiệu, cáp tín hiệu đưa về, bao gồm các dây dẫn tín hiệu báo cháy, dây chuông báo động cháy và dây nút ấn báo cháy khẩn cấp.

  • Đặt hộp kỹ thuật :
    • Các hộp kỹ thuật là hộp nhựa chống cháy được đặt ngầm trong tường gạch.
    • Yêu cầu về vị trí đặt hộp kỹ thuật: Đảm bảo tính mỹ quan đồng thời phải thuận tiện trong quá trình kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống ( nếu có yêu cầu).
  • Công tác lắp đặt đầu báo cháy :
    • Công tác lắp đặt đầu báo cháy được thực hiện sau khi công trình đã hoàn thành xong phần xây lắp. Cụ thể, đối với các phòng ban không có trần kỹ thuật thì trần và tường phải được sơn hoàn thiện. Đối với các tầng có trần kỹ thuật thì trần phải được hoàn thiện, các thiết bị điện chiếu sáng, điện lạnh và hệ thống thông tin liên lạc đã được lắp đặt xong.
    • Công việc lắp đặt đầu báo cháy bao gồm các bước sau:
      • Giao nhận bản vẽ ( sơ đồ đấu dây, sơ đồ bố trí thiết bị)
      • Kiểm tra thiết bị: Đo thông mạch, kiểm tra cách điện, ngưỡng bảo vệ, dòng định mức…. Theo chứng chỉ của nhà sản xuất.
      • Đo lấy dấu.
      • Khoan trần.
      • Lắp đế đầu báo cháy vào trần.
      • Đấu nối dây tín hiệu vào đầu báo cháy ( theo sơ đồ đấu dây).
      • Lắp đầu báo cháy vào đế.
    • Khi lắp đặt các đầu báo cháy cần chú ý:
      • Đế đầu báo cháy lắp lên trần giả hoặc trần bê tông bằng vít nở và vít bắt vào trần giả cố định. Dây luồn từ trong ống xoắn bọc nhựa bảo vệ xuống được vệ sinh sạch sẽ, cách điện, tách đầu và bắt chặt chẽ vào các đầu vít của đế đầu báo. Đầu dây bắt vào đế được để dài ít nhất 10cm tính từ lỗ xuống dây và cài gọn gàng trong hốc đế đầu báo. Nếu vị trí đầu báo nằm giữa đèn chiếu sáng và dầm trần phải tính toán sao cho cân đối, nhưng phải đảm bảo đầu báo cách dầm và đèn ít nhất 50 cm.
      • Tất cả các đầu báo cháy trước khi lắp đặt đều phải được kiểm định các thông số kỹ thuật và chất lượng.
      • Các phòng, các khu vực đã được lắp đặt đầu báo cháy phải có các biện pháp bảo vệ để tránh xảy ra mất mát, hư hỏng (cắt cử người trông coi, khoá cửa…).
    • Công tác lắp đặt tổ hợp nút ấn báo cháy khẩn cấp và chuông, đèn báo cháy :
      • Các hộp báo cháy khẩn cấp và chuông, đèn báo cháy được lắp đặt sau khi đã hoàn thành xong việc lắp đặt các đầu báo cháy. Quy trình lắp đặt các hộp báo cháy khẩn cấp và chuông, đèn báo cháy được thực hiện tương tự như khi lắp đặt các đầu báo cháy. Tuy nhiên, các hộp báo cháy khẩn cấp và chuông, đèn báo cháy thường được bố trí ở khu vực hành lang, nơi thường xuyên có người qua lại. Vì vậy khi lắp đặt xong phải có biển cảnh báo để tránh sự tò mò của những người có mặt trong khu vực thi công.
      • Nút ấn, Chuông, đèn báo cháy được đặt trong hộp tổ hợp bảo vệ chôn trong tường . Vị trí hộp tổ hợp cách nền nhà 1,5m.
    • Công tác kết nối các thiết bị ở các tầng của hệ thống báo cháy về Trung tâm báo cháy tại phòng bảo vệ .
    • Trình tự tiến hành như sau:
      • Kiểm tra thiết bị ( theo quy trình được nhà sản xuất quy định).
      • Lắp đặt đường cáp tín hiệu vào vị trí tủ trung tâm theo sơ đồ.
      • Kiểm tra, đo thông mạch các tầng.
      • Đấu nối mạch điều khiển từ các tầng đến tủ trung tâm báo cháy.
      • Lắp ắc quy nguồn.
      • Đóng điện nguồn vận hành thử.
    • Chú ý :
      • Khi lắp đặt tủ trung tâm phải tuyệt đối tuân thủ các quy định trong quá trình lắp đặt như: ép cốt, đánh số đầu dây, neo buộc dây điều khiển….
      • Trong thời gian vận hành thử phải theo dõi và lập các biên bản về tình trạng hoạt động của hệ thống.
      • Sau khi đấu nối xong, kiểm tra hiển thị chính xác vị trí kênh vùng, kỹ sư tiến hành kiểm tra hệ thống làm việc theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Cho hệ thống chạy thử nghiệm, sau tiến hành thử lần lượt tất cả các đầu báo, nút ấn và chuông báo cháy. Điều chỉnh tất cả các thông số đạt chất lượng cao nhất và ổn định trước khi tổ chức bàn giao, nghiệm thu.
biện pháp thi công hạng mục pccc

biện pháp thi công hạng mục pccc